Bổ sung, sửa đổi quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động

Ngày 07 tháng 10 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2015/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định số 88/2015/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi 23 nội dung trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015. Các nội dung khác không được sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP vẫn có hiệu lực như hiện tại. Trong đó, Chính phủ quy định bổ sung gia tăng các mức phạt để tăng tính răn đe, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm liên quan đến các lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm, hoạt động giao kết hợp đồng lao động, thử việc, cho thuê lại lao động, bảo hiểm xã hội, những vi phạm liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam,…
Một số điểm chính cần phải lưu ý trong Nghị định số 88:
Về hoạt động giao kết hợp đồng: Nghị định số 88/2015 vẫn giữ mức phạt cao nhất của hành vi vi phạm liên quan đến việc giao kết hợp đồng như quy định cũ ở Nghị định 95/2013 là từ 20-25 triệu, nhưng hành vi giao kết hợp đồng lao động với người từ 15 tuổi tới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của NLĐ. Đây là một điểm mới tiến bộ của Nghị định 88/2015, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vị thành niên khi tham gia lao động. 
Về thử việc: Nghị định 88/2015/NĐ-CP cũng không có sự thay đổi về mức phạt nhưng bổ sung thêm một hành vi vi phạm mới là người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng với NLĐ trong trường hợp kết thúc thời gian thử việc mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc. Việc bổ sung này giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong quan hệ lao động, giúp NLĐ được hưởng các lợi ích khi tham gia lao động đúng theo quy định của pháp luật. 
Các vi phạm về hoạt động sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động cũng có nhiều sự thay đổi đáng kể. Nếu như ở Nghị định cũ, hành vi vi phạm liên quan đến sửa đổi, bổ sung hợp đồng hầu như không được nhắc tới và các hành vi vi phạm việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng chỉ gói gọn ở việc trả trợ cấp, giấy tờ sau khi chấm dứt hợp đồng thì ở quy định mới, Nghị định 88 đã bổ sung các hành vi liên quan đến sửa đổi, bổ sung hợp đồng (như sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động; sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết). 
Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung thêm các hành vi vi phạm về việc chấm dứt hợp đồng lao động như hành vi không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho NLĐ khi người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Bên cạnh đó, mức xử phạt thấp nhất cho các hành vi này cũng được nâng lên từ 500.000 đồng thành 1 triệu đồng. 
Về cho thuê lại lao động: ngoài các hành vi trước đây theo Nghị định 95, doanh nghiệp cho thuê lại lao động còn có thể bị phạt tiền khi trả lương cho NLĐ thuê lại thấp hơn lương của NLĐ làm cùng công việc hoặc công việc có cùng giá trị như nhau của bên thuê lại lao động hoặc trả lương và các chế độ khác cho NLĐ thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên thuê lại lao động. 
Nếu ở Nghị định 95/2013, hành vi vi phạm của người sử dụng lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ còn quy định chung chung thiếu chi tiết thì Nghị định 88 mới ban hành đã bổ sung, quy định chi tiết hơn về các hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về phân biệt đối xử NLĐ với lý do họ gia nhập công đoàn. 
Theo đó, Nghị định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có 1 trong 05  hành vi sau đây: (1) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ; (2) Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động; (3) Kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với NLĐ vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; (4) Quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn; (5) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với NLĐ. Trong 05 hành vi này, ba hành vi cuối là ba điểm mới vừa được bổ sung ở Nghị định 88/2015. 
Đặc biệt, Chính phủ đã bổ sung Điều 24c vào Nghị định 95/2013 với nội dung xử phạt vi phạm về đóng kinh phí công đoàn. Theo đó, hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn, đóng không đúng mức quy định hay đóng không đủ số lượng NLĐ phải đóng thì sẽ bị phạt từ 12-15% tổng số tiền phải đóng. 
Tương tự, hành vi doanh nghiệp hoàn toàn không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ NLĐ thì bị phạt từ 18-20% tổng số tiền phải đóng. Mức phạt tối đa cho các hành vi trên là 75 triệu đồng.
Ngoài ra, về xử lý vi phạm tuyển dụng, sử dụng NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài, Nghị định 88/2015 đã bổ sung mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây: Thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra, cấp chứng chỉ, cho NLĐ sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết; không đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cấp cho NLĐ; không cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho NLĐ theo quy định…
Bên cạnh việc bổ sung các hành vi phạt, Chính phủ cũng bãi bỏ hành vi bị xử phạt liên quan đến thuê lại lao động. Đó là hành vi sử dụng NLĐ thuê lại làm công việc không thuộc Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Đây không còn được xem là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính nữa. 

Tác giả: 

Mai Văn Chung

Các tin cùng chuyên mục