Huỳnh Tấn Phát - một trí thức yêu nước lớn, một kiến trúc sư, một nhà cách mạng luôn nặng tình với quê hương

Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho kiến trúc sư  Huỳnh Tấn Phát năm 1996 (bà Bùi Thị Nga đại diện gia đình nhận Giải thưởng). (Ảnh tư liệu)

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dù trải qua nhiều trọng trách lãnh đạo cấp cao từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến Mặt trận Tổ quốc,… nhưng từ trong sâu thẳm, ông vẫn mang nặng một thiên chức “trời ban": Tài năng và trách nhiệm của một nhà kiến trúc, của một con người làm việc chuyên môn.

Năng khiếu nghệ thuật xuất sắc thời sinh viên của ông cho đến nay vẫn còn được bạn bè cùng khóa ghi nhớ và ca ngợi. Ngay trong khoảng thời gian đi tập sự ông đã được giao thiết kế một công trình quy mô khá lớn là Câu lạc bộ Thủy quân cao 5 tầng. Công trình này về sau chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ Thủ tướng, nay là Văn phòng II của Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ Thủy quân là niềm tự hào của kiến trúc sư Việt Nam lúc bấy giờ, qua đó danh tiếng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được người Pháp kính nể và nhiều khách hàng tín nhiệm. Với uy tín lớn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã dễ dàng tập hợp được đông đảo các nhà trí thức, các nhà tư sản lớn đi theo cách mạng.

Người khởi nghiệp Văn phòng kiến trúc sư tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp thủ khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành kiến trúc sư. Sau khi tốt nghiệp, ông lưu lại Hà Nội hơn một năm để thiết kế một số biệt thự, sau đó trở về Sài Gòn mở văn phòng riêng ở số nhà 68-70 đường Mayer, nay là Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh. Khởi nghiệp từ một văn phòng kiến trúc sư tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương, ông đã nhận lãnh thiết kế nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc và mỹ thuật ở khắp Sài Gòn – Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt,… Cũng trong thời gian này ông từng đoạt giải trong một số cuộc thi kiến trúc của đô thành Sài Gòn. Ông khai thác, ứng dụng nhuần nhuyễn những tinh hoa di sản kiến trúc để thiết kế các tòa biệt thự, nhà ở thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Nam bộ theo hướng phát triển bền vững với giá trị cao về công năng sử dụng, về nghệ thuật kiến trúc, mang dấu ấn đặc sắc của một phong cách kiến trúc vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa Á Đông. Có thể thấy tư tưởng bảo tồn và phát triển bền vững di sản đô thị Nam bộ là một tầm nhìn xây dựng đô thị được kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thể hiện nhất quán ở nhiều công trình tiêu biểu của ông.

Bà Huỳnh Xuân Thảo – con út kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong ngày Tổng kết 15 năm Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát. (Ảnh tư liệu)

Dấn thân đi làm cách mạng vẫn miệt mài với nghề kiến trúc

Sau năm 1954, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công ở lại hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Tuy dấn thân theo cách mạng, bước vào đời tranh đấu, nhưng trong thời gian này ông vẫn miệt mài nghiên cứu, tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa đoạt giải nhì (không có giải nhất). Thư viện Sài Gòn (mà ông là đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được cả giới chuyên môn, những người trong nghề và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối chi tiết kiến trúc.

Đặc biệt, sự hăng say chuyên môn gắn kết với nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước mãnh liệt đã giúp ông thực hiện một công trình kỳ vĩ trong cách mạng mùa thu ở Nam bộ. Kỳ đài cao 15m ghi tên 11 vị trong Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ tại ngã tư đường Charner-Bonard (nay là ngã tư đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi), ông thiết kế và chỉ đạo thực hiện thần tốc trong vòng 1 đêm 24/8/1945 đến sáng hôm sau thì xong. Công trình đã gây được ấn tượng tốt đẹp về Cách mạng đối với nhân dân Nam bộ trong ngày cướp chính quyền ở Sài Gòn. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu – Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã viết về kỳ tích này của ông:

“Đúng 10 giờ đêm, Huỳnh Văn Tiểng và tôi đi bộ ra xem Huỳnh Tấn Phát xây đài xong chưa, thì hóa ra đúng 10 giờ đã mọc trên ngã tư Bonard - Charner sừng sững, cao vọi, sáng rực một cột vuông uy nghi, giới thiệu cho đồng bào. Chính quyền cách mạng sẽ được tuyên bố 10 giờ sáng ngày 25 tháng 8, trong cuộc tập hợp có vũ trang của một triệu đồng bào thành phố và ngoại ô đứng chật nức ba đại lộ ngày nay là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và quảng trường Quách Thị Trang. Tiếc rằng ngày nay ta không có một tấm ảnh nào của công trình Huỳnh Tấn Phát xây dựng đêm 24 tháng 8, một công trình mà hồi đó Phạm Ngọc Thạch bảo là giống lâu đài huyền thoại trong chuyện cổ tích, xây dựng một đêm xong".

Trong những năm gian lao kháng chiến, dẫu bận trăm công ngàn việc, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều phòng họp, hội trường, nơi ăn chốn ở phục vụ cho đại biểu về dự các hội nghị tại vùng căn cứ cách mạng Nam bộ. Năm 1972, ông thiết kế Thủ phủ Lộc Ninh – căn cứ cách mạng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Công trình bao gồm hàng chục tiểu công trình như: nhà hành chính, đài liệt sĩ, đền thờ Bác, khu giao tế, cung thiếu nhi, nhà văn hóa, nhà hát ngoài trời, hội trường, khách sạn, cửa hàng bách hóa, chợ, trường học, bệnh viện, khu thể dục thể thao,... Sau khi ông qua đời, bà Bùi Thị Nga, phu nhân của ông, đã tìm thấy trong di cảo để lại của ông hơn 60 bản vẽ do ông phác thảo. Đây là những minh chứng cho thấy ông là người có đầu óc uyên thâm về thiết kế, quy hoạch đô thị và công trình, thể hiện một tầm nhìn xa, một khả năng sáng tạo tuyệt vời, một tư duy thông tuệ của nhà kiến trúc tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục chỉ đạo và tham gia nghiên cứu sáng tạo nhiều công trình lớn ở Hà Nội, như: Cung thiếu nhi, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, và Đài Liệt sĩ Phú Yên,… Đặc biệt, với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô kiêm Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch chung Hà Nội, ông còn chỉ đạo, góp ý các dự án thiết kế các đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu – Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,…

Nhà của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại Di tích Căn cứ Trung ương cục miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Người nặng tình với quê hương Bến Tre

Cách nay 42 năm, vào tháng 3/1981, ông về thăm quê hương Bến Tre và làm việc với lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ. Với tấm lòng của người con quê hương, bằng phong cách của một nhà chuyên môn, trước tấm bản đồ tỉnh Bến Tre ông tâm huyết trình bày ý tưởng khái quát quy hoạch phát triển thị xã Bến Tre thành một đô thị văn minh, hiện đại, không chỉ tầm nhìn ngắn hạn 5 - 10 năm mà cho hàng trăm năm sau. Ông luôn nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch, xây dựng bền vững và gìn giữ di sản đô thị của Bến Tre. Dù là một tỉnh nhỏ, hẻo lánh, nhưng Bến Tre vẫn có những kiến trúc đô thị, nhà cổ thời Pháp cần bảo tồn. Ông cho rằng không phải đô thị nào cũng như thị xã Bến Tre: có sông Bến Tre – một phụ lưu của sông Hàm Luông đi qua ngay trung tâm đô thị. Ông Lê Chí Nhân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thời bấy giờ là người trực tiếp lắng nghe, lĩnh hội ý kiến của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong cuộc làm việc này, kể lại: “Ông Huỳnh Tấn Phát luôn căn dặn phải lấy dòng sông Bến Tre làm trung tâm đô thị, là trục chính của thị xã Bến Tre…".

Đặc biệt, trong chuyến về Bến Tre tháng 3/1988, năm sau thì ông mất, đây là chuyến về thăm quê hương sau cùng của ông, Câu lạc bộ nhân sĩ trí thức tỉnh đã được vinh dự đón tiếp ông đến thăm và nói chuyện thân mật với hội viên. Ông cho rằng việc tập hợp trí thức từ bất kỳ nguồn đào tạo nào để cống hiến chất xám của mình trong giai đoạn xây dựng đất nước là hết sức quan trọng. Ông kêu gọi giới nhân sĩ trí thức Bến Tre, những cộng tác viên tích cực đoàn kết xung quanh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng toàn dân tham gia xây dựng quê hương Đồng Khởi giàu đẹp thông qua công cuộc bảo tồn và gìn giữ kiến trúc, di sản đô thị nhỏ bé của mình luôn xanh tươi, bền vững và đẹp đẽ.

Sau khi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát mất (tháng 9/1989), đến tháng 9/2004 ông đã được nhân dân Bến Tre lập đền thờ tại đình Tân Hưng. Ông là một trong số rất ít lãnh đạo cấp cao của nước ta được dân tôn kính dựng đền thờ bên cạnh đình làng. Ngày nay tên của ông đã được đặt tên đường, tên trường học ở nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai,… Ở Bến Tre, con đường lớn và dài có 4 làn xe nối huyện Bình Đại quê hương ông với thành phố Bến Tre qua huyện Châu Thành mang tên kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tất cả đã làm cho tên tuổi của ông trường tồn với lịch sử và cũng để tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn một người con ưu tú của đất nước, của quê hương, “một kiến trúc sư, một trí thức lớn sẵn sàng vứt bỏ mọi vinh hoa, phú quý của xã hội thượng lưu, lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân…". Tháng 5/2009, tượng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cũng đã được khánh thành tại trường THPT mang tên ông ở xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Những người con của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện nguyện ước của cha mình lúc sinh thời – muốn làm thật nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước. Được sự đồng ý của địa phương, gia đình đã thành lập Quỹ khuyến học Huỳnh Tấn Phát, hàng trăm suất học bổng đã được trao tặng, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên ngành kiến trúc có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống. Được biết, tổng số tiền quỹ khuyến học huy động từ gia đình của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và của các tổ chức, cá nhân đã lên đến hàng tỷ đồng. Riêng ở xã Châu Hưng quê hương ông, tính đến năm nay gia đình đã đóng góp cho địa phương 100 lượng vàng và 115.000.000 đồng để xây trường học, thư viện, mua đất làm sân bóng cho học sinh, cũng như lập quỹ khuyến học xã nhà.

Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã có lời cảm nhận sâu sắc về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: “Huỳnh Tấn Phát luôn luôn để lại trong tôi và mọi người quen biết một tình cảm khó quên, một niềm kính phục và thương yêu, kính trọng mỗi khi có dịp nhớ tới hay ngồi cùng đàm đạo nhắc lại tên anh".

Nhưng từ lăng kính của giới chuyên môn, nghề kiến trúc mà tư tưởng bảo tồn và phát triển bền vững di sản đô thị Nam bộ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tư tưởng đó không chỉ hiển hiện trong từng bản vẽ, mẫu thiết kế công trình cụ thể trong di sản kiến trúc của ông để lại cho hậu thế mà ở cả trong tầm nhìn của ông trong quy hoạch đô thị theo tinh thần “thuận thiên", lấy dòng sông, con nước làm trung tâm của đô thị để bảo tồn và phát triển bền vững di sản đô thị. Chính vì vậy những công trình, bản vẽ, đồ án kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát luôn để lại một dấu ấn riêng, một phong cách kiến trúc đậm nét văn hóa Nam bộ và hướng đến mục đích bảo tồn và phát triển bền vững di sản đô thị. Tư tưởng đó, tầm nhìn đó đã giúp kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có những công lao to lớn và nhiều thành tích xuất sắc, xứng đáng với Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về kiến trúc năm 1996 và Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết" mà ông đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phong tặng. 

Nguồn: https://bentre.gov.vn

Tác giả: 

Phạm Văn Luân

Các tin cùng chuyên mục